Sáng nay, ngày 18/6/2021, tại Hội trường Khách sạn Morin Huế, Ban Tổ chức Cuộc thi Khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức Hội nghị Triển khai và Phát động Cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2021. Đến dự và chủ trì Hội nghị có TS Hồ Thắng, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, TS Cung Trọng Cường, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển, TS Hoàng Kim Toản, Giám đốc Trung tâm Khởi nghiệp đối mới sáng tạo-Đại học Huế. Hội nghị còn có sự tham dự của các cơ quan, ban, ngành, các doanh nghiệp, các tổ chức đoàn thể cấp tỉnh; đại diện lãnh đạo Hiệp hội Doanh nghiệp, các câu lạc bộ khởi nghiệp, cộng đồng khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Hội nghị Triển khai và Phát động Cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (KNĐMST) tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2021 được tổ chức nằm trong chuỗi các hoạt động tuyên truyền, quảng bá về Cuộc thi. Thông qua lễ phát động, Ban Tổ chức Cuộc thi sẽ thông tin đến toàn thể tổ chức, cá nhân, nhóm cá nhân trên địa bàn tỉnh về Kế hoạch và Thể lệ tổ chức Cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2021; đồng thời kêu gọi tất cả các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh cùng hưởng ứng, tích cực tham gia. Sau khi tổ chức phát động, Ban Tổ chức tiếp tục thực hiện việc tuyên truyền Cuộc thi để hướng dẫn các tổ chức, cá nhân, nhóm cá nhân nắm bắt, tiếp nhận thông tin, tìm hiểu, nghiên cứu tài liệu liên quan, xây dựng hồ sơ tham gia Cuộc thi.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, TS Hồ Thắng, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ cho rằng, phải khẳng định rằng trong 5 năm trở lại đây, hoạt động KNĐMST đã được Đảng và nhà nước ta đặc biệt quan tâm, tinh thần KNĐMST hiện nay đã lan toả rộng khắp trong mọi tầng lớp nhân dân. Từ năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án 844 "Hỗ trợ hệ sinh thái KNĐMST quốc gia đến năm 2025" đánh dấu động thái cụ thể của Chính phủ về phát triển hệ sinh thái KNĐMST. Mục tiêu của Đề án là tạo môi trường thuận lợi để thúc đẩy, hỗ trợ hình thành và phát triển doanh nghiệp có khả năng trưởng thành nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới. Mới đây, ngày 20/5/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 50/NC-CP về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Trong đó, nội dung KHCN và đổi mới sáng tạo đã được nêu rất cụ thể tại các nhiệm vụ chủ yếu của Nghị quyết, đó là: Xây dựng, hoàn thiện khung khổ pháp lý nói chung và thử nghiệm cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội, cạnh tranh nói riêng để thúc đẩy quá trình phát triển, ứng dụng KH&CN, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, kinh tế số, phát triển các mô hình kinh tế mới, khởi nghiệp sáng tạo; Phát triển mạnh mẽ KHCN và đổi mới sáng tạo nhằm tạo bứt phá nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, lấy doanh nghiệp làm trung tâm. Xây dựng thể chế, cơ chế chính sách để hình thành trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm trí tuệ nhân tạo tại các vùng trọng điểm…
"Chúng ta thấy rằng hoạt động KNĐMST nói riêng và KH&CN nói chung đã thật sự trở thành động lực để phát triển kinh tế- xã hội của đất nước trong giai đoạn hiện nay. Ở Thừa Thiên Huế chúng ta, ngay từ năm 2016, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch để triển khai Đề án 844, đến năm 2017, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch hoạt động KNĐMST tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2017-2020. Sở KH&CN được UBND tỉnh giao là cơ quan thường trực của UBND tỉnh để triển khai hoạt động KNĐMST trên địa bàn. Qua 5 năm triển khai, kết quả của hoạt động đã giúp cho hệ sinh thái khởi nghiệp của tỉnh có nhiều khởi sắc, tạo sự lan toả lớn trong cộng đồng xã hội; thu hút sự tham gia của hàng trăm doanh nghiệp, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, các trường đại học, vườn ươm, câu lạc bộ khởi nghiệp và cộng đồng khởi nghiệp trong và ngoài tỉnh", TS Hồ Thắng nhấn mạnh.
TS Hồ Thắng, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, Trưởng Ban tổ chức Cuộc thi phát biểu khai mạc Hội nghị
Từ năm 2016 đến nay, Cuộc thi KNĐMST tỉnh Thừa Thiên Huế đã qua 5 lần tổ chức. Việc tổ chức Cuộc thi KNĐMST hàng năm đã thể hiện quyết tâm của Lãnh đạo tỉnh về đẩy mạnh hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp theo tinh thần Đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia đến năm 2025; đây còn là minh chứng về tinh thần khởi nghiệp trong cộng đồng, sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp trong công tác đẩy mạnh, nâng cao tinh thần khởi nghiệp đầy trách nhiệm. Tiếp nối những thành công đó, ngày 14/5/2021, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành Kế hoạch và Thể lệ Cuộc thi KNĐMST tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2021, nhằm tiếp tục khuyến khích, xây dựng và tạo sự lan tỏa tinh thần khởi nghiệp trong cộng đồng; Tìm kiếm, chọn lọc, tôn vinh các ý tưởng, dự án KNĐMST tiềm năng, góp phần hiện thực hóa các ý tưởng, dự án khởi nghiệp; đồng thời thu hút sự quan tâm, hỗ trợ của xã hội, doanh nghiệp đối với các ý tưởng, dự án khởi nghiệp hay và có tiềm năng phát triển. "Thông qua Hội nghị này, tôi hy vọng Cuộc thi KNĐMST tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2021 sẽ nhận được sự hưởng ứng, tham gia tích cực của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, các trường đại học, cao đẳng và cộng đồng; tạo được hiệu ứng xã hội rộng lớn và để lại dấu ấn tốt đẹp về tinh thần khởi nghiệp không chỉ ở cố đô Huế mà còn lan toả trong cả nước", TS Hồ Thắng cho biết.
Toàn cảnh Hội nghị
Tại Hội nghị, ông Ngô Thuần, Trưởng Phòng Quản lý Công nghệ và Chuyên ngành, Sở Khoa học và Công nghệ công bố Kế hoạch, Thể lệ, hướng dẫn chung về đăng ký hồ sơ dự thi; TS Cung Trọng Cường, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển trình bày các nội dung liên quan đến công tác hỗ trợ hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ dự thi, kế hoạch hỗ trợ và ươm tạo sau Cuộc thi.
Ông Ngô Thuần, Trưởng Phòng Quản lý Công nghệ và Chuyên ngành, Sở Khoa học và Công nghệ công bố Kế hoạch, Thể lệ, hướng dẫn chung về đăng ký hồ sơ dự thi
TS Cung Trọng Cường, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển trình bày các nội dung liên quan đến công tác hỗ trợ hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ dự thi, kế hoạch hỗ trợ và ươm tạo sau Cuộc thi
Để tiếp tục hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp phát triển trong giai đoạn tiếp theo, ngày 30/7/2020, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1938/QĐ-UBND về việc Phê duyệt Đề án Cố đô Khởi nghiệp, giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Mục tiêu của Đề án là tạo lập hệ sinh thái KNĐMST trên địa bàn tỉnh năng động và hiệu quả với sự tham gia, kết nối thường xuyên của các thành tố trong hệ sinh thái KNĐMST; tạo lập môi trường thuận lợi cho hoạt động KNĐMST; thúc đẩy, hỗ trợ hình thành và phát triển các loại hình doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới và đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp; Hình thành phong trào và thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong cộng đồng; trang bị kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp trong thanh niên, lực lượng lao động ở thành thị và nông thôn, học sinh các trường trung học phổ thông, sinh viên, giảng viên, thanh niên…
Nhằm hỗ trợ và phát triển các doanh nghiệp KNĐMST sát với thực tiễn, phù hợp với nguồn lực và điều kiện của tỉnh; tạo lập môi trường thuận lợi, từng bước nâng cao năng lực của các thành phần tham gia hoạt động KNĐMST… Sở KH&CN đã tham mưu cho HĐND tỉnh ban hành các chính sách hỗ trợ cụ thể, thiết thực cho các cá nhân, tổ chức khởi nghiệp, đó là Nghị quyết số 21/2020/NQ-HĐND, ngày 23/12/2020 về Quy định nội dung và mức chi hỗ trợ hệ sinh thái KNĐMST trên địa bàn tỉnh đến năm 2025; Nghị quyết số 22/2020/NQ-HĐND ngày 23/12/2020 quy định Một số chính sách hỗ trợ đổi mới, cải tiến công nghệ, chuyển giao công nghệ và phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2030. Đề án Cố đô khởi nghiệp, và các chính sách của tỉnh… đã góp phần thúc đẩy hoạt động hỗ trợ và phát triển khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh, đây là tiền đề quan trọng trong việc xây dựng và phát triển hệ sinh thái KNĐMST của tỉnh trong thời gian đến.
PGS.TS Nguyễn Quang Linh phát biểu ý kiến tại Hội nghị
Có thể thấy rằng, qua 5 lần tổ chức Cuộc thi đã thu hút trên 5000 tổ chức, cá nhân, nhóm cá nhân hưởng tham gia các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp, trong đó đã có trên 200 hồ sơ đăng ký dự thi; nhiều thiết chế hỗ trợ khởi nghiệp đã hình thành, hiệu ứng xã hội rất tích cực và sức lan tỏa rộng lớn; từ kết quả của các Cuộc thi, các cá nhân, doanh nghiệp đã phát triển vươn lên một tầm cao mới; các sản phẩm đã được thương mại hoá và có thương hiệu trên thị trường; nhiều doanh nghiệp, vườn ươm, câu lạc bộ khởi nghiệp đã hình thành và phát triển. Đặc biệt, Cuộc thi KNĐMST năm 2020 đã thu hút được 56 ý tượng, dự án tham gia trong đó có 30 dự án vào vòng bán kết với đa số các dự án đã có sản phẩm; ngoài các giải thưởng được trao tại cuộc thi, UBND tỉnh đã hỗ trợ 4 dự án đạt giải bằng các nhiệm vụ KH&CN, đó là dự án “AIQuant - Hệ thống phân tích dữ liệu thông minh tự động AI” của anh Nguyễn Phương Duy (giải nhất); dự án “Hệ sinh thái du lịch dựa vào cộng đồng và phát huy các giá trị tài nguyên bản địa tại huyện Nam Đông” của Công ty CP Đầu tư và Dịch vụ YesHue Eco (đạt giải nhì); dự án “Phát triển Sen Huế gắn với phát triển chuỗi giá trị và du lịch sinh thái tại làng cổ Phước Tích” của Công ty Hữu Cơ Huế Việt (giải ba); dự án “Lập vùng nguyên liệu, chế biến và thương mại cây Atiso đỏ” của công ty TNHH MTV sản xuất thương mại và dịch vụ HICHAGOL (giải 3).
Toàn cảnh Hội nghị
Sau Hội nghị, các hoạt động của Cuộc thi sẽ chính thức diễn ra. Trước đó, ngay từ đầu tháng 6/2021 BTC Cuộc thi đã triển khai công tác truyền thông, quảng bá về Cuộc thi; hiện nay chúng tôi đang nhận hồ sơ dự thi và sẽ kết thúc việc nhận hồ sơ vào ngày 31/8/2021; Vòng sơ khảo, bán kết và chung kết dự kiến diễn ra trong tháng 9/2021, Hội nghị tổng kết và trao giải diễn ra vào đầu tháng 10/2021. Để Cuộc thi đạt được kết quả như mong muốn, Ban Tổ chức đã đề nghị các cấp, các ngành, các đoàn thể, tổ chức chính trị, xã hội, các trường đại học, cao đẳng… cần quan tâm chủ động và phối hợp thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng về Cuộc thi; đẩy mạnh công tác truyền thông và vận động, khuyến khích, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tích cực hưởng ứng, tham gia Cuộc thi; qua đó thu hút được đông đảo mọi đối tượng cùng tham gia; từ đó có thêm những ý tưởng hay, những sáng tạo mới có ích cho xã hội và có giá trị thực tiễn hơn nữa, đây chính là cách mà chung ta cùng chung tay đồng hành để nâng cao chất lượng và số lượng doanh nghiệp góp phần tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của quê hương Thừa Thiên Huế trong thời kỳ mới.