Ban hành Quy định nội dung và mức chi hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2025; Xây dựng các chương trình tuyền thông nhằm tuyên truyền hoạt động KNĐMST trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế; Hỗ trợ ít nhất 2 - 3 nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp cơ sở, cấp tỉnh cho các ý tưởng, dự án khởi nghiệp đạt giải cuộc thi KNĐMST của tỉnh; Tổ chức diễn đàn, các hội thảo, hội nghị, đào tạo, tập về KNĐMST; Hỗ trợ ít nhất 10 ý tưởng, dự án khởi nghiệp, 5 doanh nghiệp khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh nhằm phát triển, thương mại hóa sản phẩm; 100% UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế xây dựng và triển khai Kế hoạch triển khai Đề án Cố đô khởi nghiệp trên địa bàn huyện, thị xã, thành phố Huế năm 2021. Đó là 6 mục tiêu cụ thể vừa được Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Thanh Bình ký ban hành tại Kế hoạch triển khai Đề án Cố đô Khởi nghiệp năm 2021 (Kế hoạch 103/KH-UBND ngày 22/3/2021).
Kế hoạch được ban hành với mục tiêu tạo lập hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (KNĐMST) trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế năng động và hiệu quả với sự tham gia, kết nối thường xuyên của các thành tố trong hệ sinh thái KNĐMST; Hoàn thiện, tạo lập môi trường thuận lợi cho hoạt động KNĐMST; thúc đẩy, hỗ trợ hình thành và phát triển các loại hình doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới và đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp; Nâng cao nhận thức, kỹ năng về KNĐMST cho các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế; Hỗ trợ thành lập và phát triển mạng lưới câu lạc bộ khởi nghiệp, không gian làm việc chung trên địa bàn, kết nối các nhà đầu tư, các quỹ đầu tư và xây dựng mạng lưới các nhà đầu tư để hỗ trợ khởi nghiệp; Phát triển mạnh, đa dạng hóa kênh thông tin, truyền thông về KNĐMST và tổ chức các hình thức ghi nhận, tôn vinh những tấm gương, doanh nghiệp khởi nghiệp thành công trên địa bàn tỉnh.
Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ trao giải Nhất Cuộc thi Khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo năm 2020
Theo Kế hoạch, có 6 nhiệm vụ trọng tâm sẽ được thực hiện trong năm 2021, đó là:
(1) Thông tin, tuyên truyền về KNĐMST: Hoàn thiện, nâng cấp, vận hành và duy trì Cổng thông tin KNĐMST tỉnh Thừa Thiên Huế. Xây dựng các tin, bài, chương trình truyền thông về KNĐMST nhằm phổ biến, tuyên truyền các điển hình KNĐMST thành công của tỉnh, các chính sách hỗ trợ khởi nghiệp và các cuộc thi KNĐMST.
(2) Tổ chức các sự kiện kết nối cộng đồng KNĐMST: Tổ chức Ngày hội Cố đô KNĐMST năm 2021 (TECHFEST Cố đô 2021). Tổ chức Diễn đàn Cố đô khởi nghiệp năm 2021. Tổ chức Cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2021. Hỗ trợ giới thiệu các doanh nghiệp khởi nghiệp tiềm năng của tỉnh tham dự TECHFEST Vùng, Quốc gia. Tổ chức tọa đàm về Hành trình khởi nghiệp của các doanh nhân, doanh nghiệp với sinh viên. Tổ chức chương trình kết nối giữa doanh nghiệp và Thanh niên khởi nghiệp; tổ chức các sự kiện giao lưu, kết nối các câu lạc bộ khởi nghiệp. Phát triển cộng đồng cố vấn khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh dựa trên các doanh nhân thành công. Tổ chức Cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp trong thanh niên nông thôn huyện Phong Điền
(3) Xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ hoạt động KNĐMST: Tiếp tục hình thành các vườn ươm, câu lạc bộ KNĐMST trong các trường đại học, cao đẳng; các huyện, thị xã, thành phố Huế. Phát triển các dịch vụ, hỗ trợ cho doanh nghiệp khởi nghiệp, bao gồm các dịch vụ về: luật, tài chính, kế toán, thuế, cơ sở vật chất, tìm kiếm nhân sự… Vận hành không gian làm việc nhằm hỗ trợ cho các dự án KNĐMST
(4) Phát triển hoạt động đào tạo, nâng cao năng lực và dịch vụ cho hệ sinh thái KNĐMST: Xây dựng chương trình giáo dục, tổ chức đào tạo, huấn luyện về KNĐMST cho các trường trung học phổ thông và trung học cơ sở nghiệp - giáo dục thường xuyên. Hỗ trợ đào tạo nâng cao năng lực cho cá nhân, nhóm cá nhân, doanh nghiệp KNĐMST trên địa bàn tỉnh về khởi sự kinh doanh, quản trị doanh nghiệp và quản trị doanh nghiệp chuyên sâu (03 khóa). Đào tạo nâng cao năng lực cho các tổ chức, nhóm cá nhân, cá nhân KNĐMST về phát triển sản phẩm khởi nghiệp. Tổ chức Hội nghị tập huấn nâng cao năng lực huấn luyện viên khởi nghiệp cho đội ngũ giảng viên các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh. Tổ chức khóa tập huấn về Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho thanh niên. Tổ chức các lớp tập huấn về KNĐMST; Phát triển tài sản trí tuệ gắn với KNĐMST cho cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp, thành viên các mô hình kinh tế tập thể, hội viên Hội phụ nữ, phụ nữ khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp.
(5) Tổ chức kết nối và hỗ trợ hoạt động hệ sinh thái khởi nghiệp: Xây dựng, kết nối mạng lưới nhà đầu tư cá nhân, doanh nghiệp và mạng lưới quỹ đầu tư mạo hiểm cho KNĐMST. Hỗ trợ doanh nghiệp KNĐMST thành lập mới về chữ ký số công cộng, chi phí hóa đơn điện tử, hỗ trợ lãi suất vay vốn ban đầu. Tổ chức hội nghị kết nối giữa nhà nước, nhà trường, nhà nghiên cứu, chuyên gia, nhà đầu tư với các tổ chức, cá nhân KNĐMST để hỗ trợ phát triển các ý tưởng, dự án khởi nghiệp. Triển khai chương trình ươm tạo và kết nối thị trường cho các dự án khởi nghiệp ĐMST. Thành lập đoàn đi học hỏi, trao đổi kinh nghiệm xây dựng hệ sinh thái KNĐMST, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp ở trong và ngoài nước. Tổ chức Hội thảo về cơ chế, chính sách hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Thừa Thiên Huế.
(6) Hỗ trợ phát triển KNĐMST: Tham mưu UBND tỉnh ban hành Quy định nội dung và mức chi hỗ trợ hệ sinh thái KNĐMST trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2025. Xây dựng và triển khai Kế hoạch triển khai Đề án Cố đô khởi nghiệp trên địa bàn huyện, thị xã, thành phố Huế năm 2021. Hỗ trợ 02-03 nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh để thương mại hóa một số sản phẩm khởi nghiệp có khả năng phát triển nhằm hình thành các doanh nghiệp KNĐMST. Hỗ trợ doanh nghiệp KNĐMST trong việc lập hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, công bố thông tin nội dung đăng ký doanh nghiệp. Đẩy mạnh tài trợ vốn cho các dự án khởi nghiệp từ nguồn vốn của Quỹ Đầu tư Khởi nghiệp sáng tạo tỉnh Thừa Thiên Huế.